Các xã đặc biệt khó khăn đã tạm đủ trạm xá, yêu cầu cấp thiết về y tế của các địa phương là trang thiết bị y tế, có đủ thuốc chữa bệnh và tăng cường bác sĩ về phục vụ tại xã… Nhìn chung, sau hai năm thực hiện chương trình 135 đã đi nhanh vào cuộc sống hoàn thành những mục tiêu cụ thể, đầu tư đúng đối tượng và có hiệu quả kinh tế xã hội rõ nét. Tuy nhiên, để triển khai sâu rộng và hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo vẫn sẽ còn không ít công việc phải làm
Vãn còn nhiều việc phải làm
Bên cạnh hiệu quả chương trình 135 đã đạt được trong hai năm qua, theo Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn có 3 vấn đề lớn cần tiếp tục đầu tư thực hiện cho kỳ được là tiếp tục đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng, giải quyết lương thực, hàng hóa cho nhân dân, đào tạo nhân lực nâng cao dân trí… Bộ trưởng chủ nhiệm ủy ban dân tộc và miền núi Hoàng Đức Nghi cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng việc huy động nguồn lực cho chương trình còn ít, chưa tương xứng với khả năng và đang có xu thế chững lại, cơ chế chưa theo kịp quá trình vận hành chương trình, chương trình 135 triển khai trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, phân cấp toàn bộ việc đầu tư xây dựng cho ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, tỉnh phân cấp cho huyện trong khi cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế không tránh khỏi lúng túng trong quá trình triển khai. Một số địa phương chưa xác định đầy đủ ý nghĩa chính trị, kinh tế xã hội của chương trình… Qúa trình lập, thẩm định xét duyệt thiết kế dự toán quá chậm… Một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ nội dung dân chủ công khai, hoặc thực hiện hình thức, chiếu lệ giao toàn bộ khối lượng xây dựng cho các nhà thầu mà không giao cho dân làm những công việc có thể làm được. Đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân vốn ít, kỹ thuật kém nhưng vẫn được địa phương chỉ định thầu. Một số huyện địa bàn rộng, công trình nhiều, không đủ sức kiểm tra, giám sát, phó mặc cho các nhà thầu, dẫn đến bớt xén khối lượng, chất lượng công trình kém. Ở không ít địa phương lại chưa có quy chế quản lý khi đưa công trình vào sử dụng dẫn đến việc khai thác công trình kém hiệu quả, không bảo dưỡng kịp thời những công trình bị hư hỏng… Như vậy có thể thấy còn không ít những vướng mắc cần phải hoàn thiện trong thời gian tới để chương trình 135 được thực hiện hiệu quả hơn. Từ kinh nghiệm của một số tỉnh như Tuyên Quang, Hà Giang… xin dẫn câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đặt ra để kết thúc bài viết là: “Tại sao từ một chủ trương chính sách có tỉnh làm tốt, có xã làm tốt, có xã lại tiêu không hết tiền, chất lượng công trình kém…? Khuyết điểm này một phần là do cán bộ tổ chức kém, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ đảng viên với người nghèo chưa cao. Chúng ta cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm để thực hiện chương trình tốt trong thời gian tới…”.
Ngọc Thanh-xây dựng/Bộ xây dựng – Hà nội –TBV13- Số 42(239)2001.